Thứ Tư, 3 tháng 4, 2013

những game xbox khiến game thủ phương tây ‘phát ớn’

Những game Xbox khiến game thủ phương Tây 'phát ớn'

Gameplay dở, nhân vật tồi, cốt truyện không hấp dẫn là điểm trừ tuyệt đối cho những game Xbox dưới đây.

> 5 game Xbox 360 'nóng bỏng' sẽ hé lộ trong E3 2012
> Xem phi thuyền NASA đáp xuống sao Hỏa bằng Xbox 360

Xbox là thiết bị đưa đại gia phần mềm Microsoft trở thành một thế lực đứng đầu ngành công nghiệp game. Bên cạnh những trò chơi 'hay kinh điển' như HaloGears of War, không thể tránh khỏi những hạt sạn. Hãy cùng điểm qua những trò chơi trên hệ máy này mà game thủ Âu - Mỹ truyền tụng là nên tránh xa.

Avatar: The Game

Avatar là một phim thành công rực rỡ về mặt thương mại với doanh thu khổng lồ trên khắp thế giới. Cũng không ngạc nhiên khi trò chơi ăn theo xuất hiện ngay sau đó. Song thay vì sử dụng các tài nguyên trong phim để làm cho game hấp dẫn hơn thì có vẻ như ngân sách làm game đã được dùng để marketing cho phim hết rồi. Lẽ ra đây sẽ là một trò chơi phiêu lưu khoa học viễn tưởng với cốt truyện liên quan đến sự kỳ vĩ của Pandora, song thực tế game chỉ làm hài lòng các nhà sản xuất mà thôi.

Avatar: The Game

Khi bắt đầu màn chơi đơn, người chơi có thể chọn lựa nhiều nhân vật có những kỹ năng đặc biệt khác nhau. Duy chỉ có điều với bất kỳ nhân vật thuộc giới tính nào, Avatar: The Game đều gọi là 'sir (ngài)' trong các đoạn phim cắt cảnh, điều này thể hiện sự sai sót cẩu thả của nhà làm game. Một điểm nữa thể hiện sự nhàm chán của game là máu trong game là màu xanh hết kể từ động vật cho đến con người.

G.I. Joe: The Rise of Cobra

Lại thêm một game được chuyển thể từ phim gây thất vọng. Điều này không ngạc nhiên lắm khi bản thân bộ phim gốc chỉ có chất lượng trung bình mặc dù bối cảnh đặc nhiệm chống khủng bố công nghệ cao là khá tiềm năng. Có thể nói các nhà phát hành và sản xuất chỉ coi trò chơi này là một sản phẩm phụ nhỏ nhoi nhằm quảng bá cho phim thì đúng hơn là một sản phẩm game được đầu tư đúng nghĩa. Gameplay quá tệ!

G.I. Joe: The Rise of Cobra

Người chơi sẽ điều khiển các siêu đặc nhiệm G.I.Joe hoàn thành nhiệm vụ khác nhau theo phong cách game thùng cũ kỹ. Nhân vật sẽ di chuyển và bắn với tốc độ đều đều, đạn dược thì vô tận, vũ khí tự động khoá mục tiêu… và nói chung rất khó để hy sinh! Thế thì còn thử thách gì nữa!

Trong phiên bản tiếp theo (nếu có) các nhà phát triển cẩn chú trọng hơn đến phần chiến lược chiến thuật của game, điều mà gần như không xuất hiện ở phiên bản hiện tại. Tóm lại ngoài việc đã mắt với việc điều khiển các nhân vật khác nhau với các trang bị đa dạng thì game này không đáng để mất thời gian trải nghiệm.

Beowulf: The Game

Với bối cảnh của game gốc khá bạo lực và ly kỳ, lẽ ra trò chơi này phải được đầu tư kỹ lưỡng hơn để có thể tồn tại được trong dòng game 'chặt chém (hack-n-slash). Có điều đấy không phải là những gì mà thực tế phản ánh.

Beowulf: The Game

Nhiều game thủ cho biết họ đã chán nản ngay ở phần hướng dẫn đầu game. Tiếp theo đó là các nội dung nhàm chán và tệ hại. Game thủ phải quản lý một nhóm bạn và có thể ra lệnh cho họ bằng các khẩu lệnh đơn giản như 'đánh đi', ' di chuyển cái này đi'... Song ngoài ra lệnh, việc tương tác với các đối tượng này bất tiện đến mức khó chịu!

Wartech: Senko no Ronde

Nếu nhìn bề ngoài Wartech là một game song đấu dạng 2D. Nhưng sự thực nó là gì thì rất khó nói. Thật không dễ dàng khi hình dung một game đánh nhau mà nhân vật không có động tác nhảy, võ đài thì toàn là đường kẻ lưới chằng chịt và một mớ các vòng tròn khác nhau trôi nổi trên không trung. Nếu chưa hình dung ra được thì game thủ có vào game cũng không khá hơn.

Wartech: Senko no Ronde

Logic của game cũng khá 'dị' khi để các cô gái trẻ trở thành những người điều khiển mech (người máy) chiến đấu trong một cuộc chiến tranh. Có thể đây là sự khác biệt trong cách nghĩ của giới làm game Nhật Bản và Âu Mỹ. Dù gì đi chăng nữa, chỉ khi thế giới hết sạch đàn ông thì mới đến lượt những cô gái trẻ phải tham chiến như vậy (mà khi hết sạch đàn ông thì có lẽ sẽ không có cuộc chiến tranh nào xảy ra). Bên cạnh đó, Wartech là một game khá khó và người chơi không được trợ giúp gì trong game. Game rất khó điều khiển và không thoải mái.

Hulk Hogan's Main Event

Nói chung các trò chơi có hỗ trợ Kinect vẫn có chất lượng khá phập phù ở vào thời điểm hiện tại. Hulk Hogan's Main Event là một game mà người chơi không hiểu nổi vai trò của Hulk Hogan trong game là gì. Việc tạo ra đô vật cho riêng mình cũng 'vật vã' không kém khi mà cảm biến Kinect không đủ độ nhạy cần thiết để theo kịp tốc độ cử động của tay, chưa kể đến tạo hình nhân vật thì quá 'í ẹ'.

Hulk Hogan

Nếu người chơi vẫn chưa từ bỏ sau phần tạo dáng nhân vật 'cực nhọc' thì họ sẽ sớm làm điều đó khi vào game. Những động tác hấp dẫn khi chơi game đấu vật là đấm và húc đầu gần như bị Kinect bỏ qua và nhiều điều khó chịu khác. Tóm lại là không thu hoạch hay khám phá gì được game này. Số người mua trò chơi chắc hẳn phải là fan cuồng của cái tên Hulk Hogan, những người chỉ cần nhìn thấy một chút xíu hình ảnh của đô vật này là đủ để thỏa mãn. Nếu bạn không nằm trong cộng đồng đó, tốt nhất là đừng phí tiền và thời gian.

Hannah Montana: The Movie - The Game

Trò chơi ăn theo bộ phim âm nhạc tuổi teen rất ăn khách này được fan hâm mộ chờ đợi nhất ở khâu tương tác với những trải nghiệm của nhân vật chính Hannah Montana. Song có lẽ các nhà phát triển đã nhầm khi cho người chơi biểu diễn như Hanna còn sống với sinh hoạt của diễn viên thủ vai này trong phim – Miley Cyrus. Yêu nhân vật trong phim và hâm mộ diễn viên thủ vai là 2 điều hoàn toàn khác nhau.

Hannah Montana

Trò chơi bắt đầu với phần hướng dẫn kéo dài cả nửa tiếng đồng hồ mà game thủ không thể bỏ qua được. Trong quá trình này, họ sẽ được học các động tác vũ đạo cũng như nhạc cụ mà Hannah trình diễn trên sân khấu. Về lý thuyết thì sẽ rất khó, song trong game thì mức tệ nhất mà người chơi nhận được luôn là 'OK'. Thế thì còn gì là hay nữa! Phần chơi nhập vai sinh hoạtt đời thường của Miley thì tẻ ngắt và có lẽ chỉ ai thích Miley mới thích mà thôi.

Hail to the Chimp

Trong các ý tưởng kinh doanh về game thì việc lấy bối cảnh bầu cử tổng thống biến thành trò chơi xem ra là ý tưởng tệ nhất. Hail to the Chimp là game đầu tiên và cũng hy vọng là game cuối cùng minh chứng cho điều này. Game được tung ra vào thời điểm diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Obama năm 2008. Người chơi sẽ lựa chọn một trong số các loài vật được cung cấp để cạnh tranh trở thành Tổng thống của Vương quốc Muôn Loài.

HailtotheChimp

Vị tổng thống loài vật này sẽ được chọn dựa trên số lượng vỏ hến đại biểu thay cho phiếu bầu. Có rất nhiều cách để các loài động vật ứng cử cạnh tranh với nhau để giành vỏ hến thông qua các nhiệm vụ mà game tạo ra. Đáng tiếc là chẳng có nhiệm vụ nào hấp dẫn cả. Game thủ sẽ thấy một vài bản đồ tẻ nhạt và nhàm chán, camera thì cố định ở một góc rất khó chịu. Một số game thủ đã đùa rằng nếu muốn đuổi khách thì cứ bật game này cho họ chơi là xong.

Pimp My Ride

Bản thân từ 'pimp' thì chẳng hay ho chút nào song trò chơi ăn theo series truyền hình thực tế cùng tên thì không xấu như thế. Có thể nói là đây là trò chơi thế giới mở gần gũi với thực tế nhất, người chơi có thể độ xe theo đúng tinh thần của show truyền hình trên TV, thậm chí còn hài hước hơn với các loại đồ chơi ngộ nghĩnh và đám đông người hâm mộ sẵn sàng trầm trồ trước 'tác phẩm' mà người chơi tạo ra. Cũng có một số màn chơi thú vị mà người chơi cần nhấn các nút theo đúng điệu nhạc để hoàn thành. Tuy vậy game cũng sa vào vết xe đổ mà trò chơi Hanna Montana nhắc tới ở trên mắc phải, kể cả game thủ có nhấn sai đi chăng nữa thì trò chơi vẫn tiếp tục và 'qua bàn' như thường.

Pimp My Ride

Cách bố trí các nhiệm vụ phụ cũng vô lý khi mà người chơi sẽ phải ra vào hết cửa hàng nọ tới cửa hàng kia để mua phụ tùng cần thiết một cách rất mất thời gian.

Shrek the Third

Phải nói rằng đây là một game ăn theo phim dở tệ. Fan hâm mộ của loạt phim này chắc chắn cũng là những người ưa thích giọng lồng tiếng ấn tượng của các danh hài Mike Myers và Eddie Murphy cho các nhân vật Shrek và chú lừa lắm điều. Nhưng trong game, các nhân vật này được lồng tiếng bởi những diễn viên vô danh và góp phần vào sự thất bại của game.

Shrek the Third

Bên cạnh sự tệ hại của khâu lồng tiếng, game này còn làm hoen ố hình ảnh anh chàng Shrek tốt bụng khi biến nhân vật này thành một kẻ bạo lực. Trong phim, Shrek chỉ dọa dẫm kẻ xấu bằng cách gầm lên hoặc vài hành vi đe dọa 'hiền lành' khác bởi lẽ đối tượng khán giả của phim chủ yếu là thiếu nhi. Còn trong game Shrek the Third, nhân vật này đã 'mở đường máu' bằng nắm đấm của mình, sau đó thì cười vào nạn nhân với nét mặt vô cảm. (Thật đáng hổ thẹn cho những người làm ra game này.)

Attack of the Movies 3D

Bản thân cái tên của game đã có vấn đề, nó làm cho người chơi bối rối và phần nhiều sẽ nghiêng về nhận điịnh đây hứa hẹn là một game 3D hoành tráng. Song sự thực thì kể cả khi đeo kính 3D chuyên dụng, hình ảnh chẳng 'nổi'' tý nào.

Attack of the Movies 3D

Attack of the Movies 3D đã thiết kế dở lại còn khó. Với gameplay là FPS và kẻ địch có thể xuất hiện khắp nơi trên màn hình, game khó đến mức 4 người cùng chơi co-op mà vẫn phải ì ạch mới lết qua được mức độ dễ nhất. Nhiều game thủ cho biết họ không hề chơi tới màn thứ 2, đa phần bỏ game luôn ngay sau màn đầu. Cơ chế ngắm bắn quá tồi và phạm vào điều đại kị của game bắn súng là không chỉnh được độ nhạy. Do đó game thủ chỉ có thể làm duy nhất một điều là vãi đạn và cầu nguyện. Tóm lại game có nhân vật thiết kế xấu, gameplay kém và 3D không thể chấp nhận được.

Bạn đã 'may mắn' chơi phải game nào trong danh sách này rồi? Cảm xúc của bạn thế nào, hãy cho chúng tôi biết qua phần comment nhé.

Song Anh

Nguồn: gamethu.vnexpress.net